Chat Zalo
Chat Facebook
0968885887

GIẢI NGỐ VỀ BO MẠCH CHỦ: ATX, MICROATX, VÀ MINI-ITX LÀ GÌ?

Chuẩn hóa phần cứng là một trong những điểm mạnh lớn nhất của máy tính desktop. Bạn có thể lắp ráp nhiều linh kiện với nhau tùy sở thích. Nhưng không phải mọi bo mạch chủ đều có cùng kích cỡ. Có nhiều form factor (dạng thức) bo mạch chủ khác nhau dành cho nhiều loại máy tính khác nhau.

Các chuẩn khác biệt

Giống như các linh kiện máy tính khác, bo mạch chủ có các dạng thức đã được chuẩn hóa, bao gồm ATX, MicroATX, và Mini-ITX. Hầu như mọi bo mạch chủ dành cho máy tính trong gia đình mà bạn mua từ các cửa hàng ở nơi sinh sống hoặc trực tuyến đều thuộc một trong các chuẩn này.

Chuẩn hóa đồng nghĩa với việc bạn có thể dễ dàng tìm một vi xử lý, RAM, nguồn, và ổ cứng lưu trữ hoạt động tốt với bo mạch chủ của mình. Nó còn cho phép bạn chọn loại thùng máy theo ý muốn. Nhiều loại thùng máy hỗ trợ cả 3 kích cỡ bo mạch chủ phổ biến. Những điểm gắnđược đặtở các vị trí phù hợp, và không gian bên trong được bố trí sao cho khớp với các cổng kết nối phía sau cùng tấm chắn I/O đi kèm để đậy chúng lại.

Để quyết định bo mạch chủ nào phù hợp với bạn, bạn sẽ phải cân nhắc một vài thứ như không gian, kinh nghiệm lắp ráp máy tính, và mức hiệu suất máy tính mà bạn cần.

Cơ bản về bo mạch chủ máy tính

vi-tinh-my-tho

Bo mạch chủ MicroATX ASUS Prime B450M-A dành cho vi xử lý AMD Ryzen

Intel tạo ra dạng thức ATX và lần đầu giới thiệu nó vào năm 1995. Trong gần 25 năm, thiết kế ATX này luôn là dạng thức chính đối với máy tính gia đình và văn phòng.

Là dạng thức bo mạch chủ lớn nhất trong số 3 dạng thức mà chúng ta nhắc đến trong bài viết này, ATX có bề ngang 12-inch và bề dọc 9,6-inch. Mọi bo mạch chủ ATX đều phải có kích cỡ như vậy. Kích cỡ này còn quyết định vị trí của các điểm gắn, tấm I/O, các đầu nối nguồn, và tất cả các giao diện kết nối khác.

Tất cả những thứ nêu trên đều quan trọng đối với bất kỳ bo mạch chủ nào. Điểm gắn giữ bo mạch chủ không tiếp xúc với bề mặt kim loại của thùng máy nhằm ngăn hiện tượng đoản mạch. Bảng I/O và tấm chắn đi kèm cho phép bạn truy xuất đến các cổng sau để gắn màn hình, âm thanh và USB. Ngoài ra còn có các đầu nối nguồn và tất cả các điểm giao diện khác nằm ở những vị trí cụ thể trong thùng máy.

Tuy nhiên không phải ai cũng muốn bo mạch chủ kích cỡ ATX – đặc biệt nếu mục tiêu lắp máy là có một hệ thống gọn gàng hơn thông thường. Lúc này bạn có thể chọn các bo mạch chủ MicroATX, kích cỡ 9,6×9,6-inch. Giống các bo mạch chủ ATX, MicroATX cũng có cách bố trí các điểm lắp ráp quan trọng của riêng nó.

Cuối cùng là Mini-ITX, phát triển bởi Via Technologies vào năm 2001, kích cỡ nhỏ nhất trong cả 3, chỉ 6,7×6,7-inch mà thôi.

Các bo mạch chủ ATX có khả năng mở rộng cao nhất. Chúng thường có 6 (hoặc ít hơn) khe PCIe để gắn những thứ như card đồ họa, card âm thanh, card mạng. Tuy nhiên, có những bo mạch chủ Extended ATX (hoặc EATX) với đến 7 khe PCIe, nhưng đây là loại bo mạch chủ dành cho dân chuyên nghiệp và máy chủ, chúng ta sẽ không đề cập ở đây.

MicroATX có thể có tối đa 4 khe PCIe, trong khi Mini-ITX chỉ có 1 khe dành để gắn card đồ họa.

RAM cũng bị giới hạn trên Mini-ITX. Bo mạch này chỉ có 2 khe RAM so với 4 khe của ATX hay MicroATX. ĐIều đó không có nghĩa bo mạch chủ Mini-ITX không thể có lượng RAM khủng. Ví dụ, nếu bạn muốn có 32GB RAM, chỉ cần lắp 2 thành 16GB, trong khi trên hai bo mạch chủ lớn kia, bạn có thể lắp 4 thành 8GB.

Khi nào nên dùng loại bo mạch chủ gì

vi-tinh-my-tho

Một bo mạch chủ gaming Mini-ITX của Gigabyte

Cả 3 loại bo mạch chủ trên đều dùng tốt cho hầu như bất kỳ loại máy tính gia đình nào, bao gồm các máy chơi game, hệ thống giải trí tổng hợp, hay chỉ để làm việc văn phòng. Nhưng mỗi dạng thức bo mạch chủ có một số hạn chế mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây:

Game

Nếu đây là lần đầu tiên bạn lắp ráp một chiếc máy tính chơi game, thì bo mạch ATX là lựa chọn tốt nhất, sau đó là MicroATX. Không gian rộng rãi của ATX cho phép bạn có thể lắp vào đó nhiều linh kiện một cách dễ dàng.

Bạn cũng có thể chọn MicroATX nếu muốn thùng máy gọn nhẹ hơn. Các linh kiện trong thùng máy sẽ được đặt sát nhau hơn một chút, nhưng vẫn thực hiện được. Nếu bạn chọn MicroATX thì hãy chú ý kích thước thùng máy. Đừng nên mua thùng máy hỗ trợ cả ATX vì chúng thường lớn hơn; ngoài ra một số thùng máy MicroATX sẽ có bề ngang hơi rộng hơn so với các thùng máy ATX, do đó hãy cân nhắc cẩn thận để mua thùng máy phù hợp với vị trí đặt.

Mini-ITX là lựa chọn “khó khănnhất”khi lắp ráp máy tính chơi game, vì có rất ít không gian bên trong thùng máy. Bạn có thể có một chiếc máy tính chơi game ngon lành với bo mạch Mini-ITX, nhưng hãy cẩn thận xem xét vấn đề không gian để nhét vừa card màn hình, luồng không khí đối lưu trong thùng máy, và tản nhiệt hệ thống. Như đã nói ở trên, không gian trống bên trong thùng máy Mini-ITX là không nhiều, đặc biệt khi so sánh với thùng máy kích cỡ ATX hoàn chỉnh.

Rạp hát tại gia (HTPC)

vi-tinh-my-tho

Khi thêm một thiết bị vào trung tâm giải trí tại gia ở phòng khách nhà bạn, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là đặt nó ở đâu. Đây là lúc Mini-ITX thực sự tỏa sáng, bởi bạn có thể có một chiếc máy tính phòng khách đầy đủ chức năng trong một thùng máy nhỏ xíu. Tất nhiên, bạn có thể mua thùng máy ATX hỗ trợ bo mạch Mini-ITX, nhưng nếu bạn muốn thùng máy này vừa vặn với chiếc kệ bên dưới TV, thì bạn cần thứ gì đó càng gọn gàng càng tốt.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến một dạng bo mạch chủ thậm chí còn nhỏ hơn Mini-ITX, có thể thấy trong chiếc máy tính NUC của Intel. Intel nói NUC là một phương thức để tạo ra những chiếc máy tính tí hơn nhưng đầy đủ những tính năng cần thiết. Các bo mạch chủ NUC thông thường chỉ có kích cỡ 4×4-inch, và thùng máy NUC thì cực kỳ chật chội.

Khi bạn mua NUC, bạn sẽ có một bo mạch chủ, vi xử lý, card đồ họa rời, và RAM. Những thứ còn lại như ổ cứng hay linh kiện khác sẽ tùy thuộc vào sở thích của bạn; tuy nhiên, các NUC hiện nay không lắp được card đồ họa với kích cỡ đầy đủ. Do đó, một chiếc NUC chỉ ổn nếu bạn dùng máy tính chủ yếu để stream video, quản lý thư viện media gia đình, và chơi các game đơn giản.

Máy tính gia đình

Máy tính gia đình phải có đầy đủ tính năng, nhưng chúng không nhất thiết phải có hiệu năng tuyệt đỉnh bởi chủ yếu bạn chỉ dùng chúng cho việc stream video, email, mạng xã hội, và chơi các web game. Hãy xem xét các chương trình khuyến mãi và từ đó đưa ra quyết định lắp ráp máy sao cho phù hợp. Nếu không gian đặt máy là điều bạn quan tâm, hãy chọn MicroATX hoặc Mini-ITX.

Tương lai

vi-tinh-my-tho

Máy tính concept ASUS Prime Utopia

Như đã nhắc ở trên, ATX là một chuẩn đã cũ. Trong thế giới công nghệ, dậm chân tại chỗ không bao giờ là điều mang lại sức mạnh. Intel đã cố giới thiệu chuẩn thay thế cho ATX là BTX vào năm 2004, nhưng chuẩn mới chưa bao giờ đạt được kỳ vọng mong đợi.

Tuy vậy, các nhà sản xuất máy tính vẫn đang thử nghiệm các chuẩn thay thế cho ATX. Tại Computex 2019, ASUS trình làng một concept bo mạch chủ cao cấp gọi là Prime Utopia. Nó trông rất ngầu và hoàn toàn khác biệt so với những gì chúng ta đang có hiện nay. Prime Utopia là một bo mạch chủ hai mặt, với các mô-đun điều chỉnh điện áp (VRM) ở mặt sau, nơi chúng có thể được làm mát dễ dàng hơn, và do đó góp phần đẩy mạnh hiệu năng hệ thống. Card đồ họa cũng ở mặt sau, trong một khoang riêng để tản nhiệt tốt hơn, và card này được gắn theo chiều dọc để ổn định hơn.

ASUS thiết kế các cổng I/O theo kiểu mô-đun. Có nghĩa là bạn có thể đưa vào chỉ những gì bạn cần, như các cổng Ethernet truyền thống hay vài cổng USB, và bạn có thể bỏ hẳn các cổng mic và headphone nếu không cần đến. Và bởi card đồ họa nằm phía sau nên mặt trước của bo mạch chủ sẽ có rất nhiều khoảng trống, từ đó giảm bớt nhiệt ở khu vực phía trước, và cho phép Utopia có đến 4 khe m.2.

Những concept như Prime Utopia là rất tuyệt, nhưng sẽ rất lâu nữa chúng ta mới có thể từ bỏ ATX để chuyển sang các chuẩn mới được. ATX và các chuẩn liên quan đã tận tụy “phục vụ” cho cộng đồng người dùng máy tính trong nhiều thập kỷ qua. Mọi người đã quen thuộc với chúng, và đã có rất nhiều phương pháp lắp ráp, bảo dưỡng, và tản nhiệt những chiếc PC như vậy hiện có rất nhiều trên mạng Internet.

Cả ba loại bo mạch chủ nêu trên đều dư khả năng thực hiện mọi công việc bạn muốn. Sự lựa chọn cuối cùng của bạn tùy thuộc vào khoảng không gian trống bạn muốn có là bao nhiêu, kinh nghiệm lắp ráp máy tính của bạn, và liệu bạn có muốn nâng cấp, mở rộng hệ thống của mình trong tương lai hay không.

Nguồn: vnreview.vn

Related Posts:

Thêm lựa chọn laptop cho doanh nghiệp từ Lenovo

Những mẫu laptop Lenovo mới của Lenovo là sự kết...

Có nên dùng bộ phát wifi hỗ trợ Mesh của nhà mạng?

Gần đây tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi mời...

Trải nghiệm khả năng vận hành trên Acer Nitro 16 Phoenix

Nhờ trang bị RTX 4050 cùng tản nhiệt độc quyền,...

Theme Settings